Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của bé. Vậy nguyên nhân của bệnh là do đâu? Làm thế nào để giảm ngứa và khô da cho bé? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh là một tình trạng da mạn tính, biểu hiện bởi khô và ngứa da. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên và nguyên nhân có thể do di truyền hoặc các yếu tố kích ứng bên ngoài. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ có thể khác nhau theo từng giai đoạn: cấp tính, bán cấp và mãn tính. Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như da xuất hiện các đám, mảng hồng nhạt hoặc đỏ, không rõ ranh giới với vùng da quanh. Da khô, bong vảy, nứt nẻ và bong tróc.Trẻ có thể cảm thấy ngứa dữ dội, rò rỉ dịch nếu bị trầy xước. Thay đổi da quanh miệng, mắt hoặc tai.
Các giai đoạn của viêm da cơ địa
Giai đoạn cấp tính: bệnh bắt đầu xuất hiện và tiến triển nhanh chóng. Trên da có các đám, mảng hồng nhạt hoặc đỏ, không rõ ranh giới với vùng da quanh. Da khô, bong vảy, có thể rò rỉ dịch nếu bị trầy xước. Bệnh gây ngứa dữ dội cho trẻ .
Giai đoạn bán cấp: là giai đoạn giữa cấp tính và mãn tính. Trên da có các mảng da sần sùi, màu nâu hoặc hồng nhạt, có thể có vẩy hoặc mài. Da vẫn khô và ngứa .
Giai đoạn mãn tính: ở giai đoạn này bệnh kéo dài và có thể tái phát nhiều lần. Trên da có các mảng da dày lên, lichen hóa (da sần như da cá sấu), có nếp gấp rõ ràng. Da vẫn khô và ngứa, có thể bị nhiễm trùng do gãi .
Cách chăm sóc khi trẻ bị viêm da cơ địa
Để giảm tình trạng ngứa và khô da ở trẻ, mẹ có thể thực hiện một số những điều sau:
Dưỡng ẩm đều đặn cho da: Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh sẽ khiến trẻ dễ gặp tình trạng khô da.Mẹ nên sử dụng kem dưỡng ẩm ít gây kích ứng da cho trẻ khi xuất hiện dấu hiệu của bệnh và ngay cả khi bệnh đã hết. Đồng thời nên bôi kem dưỡng ẩm với đủ lượng để giữ ẩm cho da.
Tắm nước ấm cho bé: Mẹ không nên tắm nước quá nóng cho trẻ vì sẽ làm khô da và gây ngứa nhiều hơn. Hãy tắm bằng nước ấm và sữa tắm dưỡng ẩm. Ngoài ra mẹ cũng nên vệ sinh sạch sẽ vùng da quanh miệng của trẻ nếu liên quan đến thức ăn hoặc nước bọt, sau đó bôi một lớp kem dưỡng ẩm.
Sử dụng thuốc không kê toa: có thể sử dụng thuốc chống ngứa hoặc thuốc bôi để làm giảm các triệu chứng của viêm da cơ địa. Tuy nhiên, các mẹ nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và không sử dụng quá liều hoặc quá lâu.
Hạn chế để bé gãi ngứa gây trầy xước: Cần vệ sinh sạch sẽ bàn tay của trẻ, không để móng tay trẻ dài, đánh lạc hướng sự tập trung chú ý của trẻ khi trẻ đang ngứa và gãi nhiều, như dỗ trẻ chơi trò chơi, xem TV,…. Mẹ cũng có thể đắp ẩm hoặc sử dụng băng ướt cho vùng da tổn thương.
Loại bỏ các yếu tố gây kích ứng da: lựa chọn quần áo cho trẻ bằng chất liệu cotton mềm mại, loại bỏ nhãn mác để tránh cọ xát vào da. Hãy chọn chăn bằng bông hoặc cotton để tránh làm cho da trẻ quá nóng. Tránh các chất dễ gây kích ứng cho da như chất tẩy rửa, xà phòng,… và các yếu tố làm bệnh của trẻ nặng lên như nóng, khô, lông động vật, cỏ, cát, bụi,…
Nếu trẻ không cải thiện sau 2 ngày điều trị hoặc có biểu hiện nhiễm trùng (vùng da tổn thương nứt, chảy nước,…) cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm da cơ địa có thể dẫn đến những biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương ngoài da để lại sẹo vĩnh viễn, suy dinh dưỡng,…
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh. Hy vọng thông qua bài viết này, cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết và bảo vệ làn da cho trẻ một cách tốt nhất.