Trẻ sơ sinh thường nôn ra một lượng nhỏ khi đang bú hoặc khi đang ợ hơi. Một số nguyên nhân khiến trẻ bị trớ như: trẻ bú nhanh, trẻ nuốt phải không khí hoặc ăn quá nhiều, đôi khi không có lý do rõ ràng. Tình trạng nôn trớ của trẻ sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu trẻ nôn nhiều và bị mất nước. Trẻ bị mất nước là bởi lượng nước trẻ uống không đủ bù lại lượng nước đã mất vì trẻ nôn liên tục hoặc không chịu ăn uống gì. Điều này sẽ khiến bạn lo lắng về tình trạng của con và không biết nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị cho con như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc để có thể chăm sóc trẻ tốt hơn.
Nguyên nhân gây nôn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
Nguyên nhân phổ biến
Nguyên nhân gây nôn ở trẻ có thể phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguyên nhân gây nôn phổ biến nhất bao gồm viêm dạ dày ruột (nhiễm trùng đường tiêu hóa) do virus và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Ở trẻ lớn hơn, nguyên nhân phổ biến do ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân ít phổ biến hơn
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một số nguyên nhân khiến trẻ bị nôn trớ ít phổ biến hơn nhưng lại quan trọng vì chúng có thể đe dọa tính mạng như:
- Thu hẹp hoặc tắc nghẽn môn vị ở trẻ từ 3 đến 6 tuần tuổi.
- Tắc ruột do sinh nở (chẳng hạn như xoắn ruột hoặc hẹp ruột).
- Lồng ruột ở trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi.
- Không dung nạp thực phẩm, dị ứng với protein sữa bò và một số rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp.
Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, các nguyên nhân hiếm gặp bao gồm:
- Bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng (nhiễm trùng thận hoặc viêm màng não).
- Viêm ruột thừa cấp tính.
- Rối loạn làm tăng áp lực trong hộp sọ (chẳng hạn như khối u não hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng).
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Loét dạ dày.
- Dị ứng thực phẩm.
- Ngộ độc thực phẩm.
Điều trị trẻ bị nôn trớ nhiều
Bổ sung chất lỏng
Điều quan trọng trong quá trình điều trị trẻ bị nôn trớ nhiều là đảm bảo trẻ không bị mất nước. Lượng chất lỏng thường được cung cấp bằng đường uống. Các dung dịch bù nước thường dùng là dung dịch điện giải. Bên cạnh đó, những đồ uống thể thao, nước ngọt, nước trái cây và các đồ uống tương tự có quá ít natri và nhiều carbohydrate cần khuyến cáo hạn chế sử dụng.
Ngay cả những trẻ bị nôn mửa thường xuyên cũng có thể dung nạp một lượng nhỏ dịch điện giải (thông thường cứ 5 phút lại cho uống 5ml dịch điện giải). Tùy vào mức độ nôn của trẻ mà lượng khuyến cáo là khác nhau, tuy nhiên cần kiên nhẫn và khuyến khích cho trẻ bù nước bằng đường uống để tránh phải truyền dịch qua tĩnh mạch. Mặc dù vậy, một số trường hợp trẻ bị mất nước nghiêm trọng khiến trẻ không thể tự uống hoặc li bì mệt mỏi, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được điều trị và bù nước kịp thời
Uống thuốc chống nôn
Các loại thuốc chống nôn thường được sử dụng ở người lớn để giảm buồn nôn và nôn, ít được sử dụng cho trẻ em vì có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn mửa nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho trẻ trên 2 tuổi dùng một số loại thuốc chống nôn phù hợp và an toàn cho trẻ.
Bữa ăn cho trẻ sau khi hồi phục
Ngay sau khi trẻ đã được cung cấp đủ nước và không bị nôn trớ thì nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ hấp thu và phù hợp với lứa tuổi. Tốt nhất, đối với trẻ lớn hơn bạn nên chuẩn bị một bữa ăn nhẹ nhàng dễ tiêu hóa do hệ tiêu hóa của con còn yếu, còn đối với trẻ sơ sinh có thể tiếp tục bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung các thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa và tăng sức đề kháng như Siro ăn ngon.
Có thể lần đầu làm cha mẹ khiến bạn ngỡ ngàng trước tình trạng trẻ bị nôn trớ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng nếu con chỉ nôn trớ nhẹ, điều này rất có thể do con bạn bú quá nhanh, nuốt phải không khí hoặc ăn quá nhiều. Trong trường hợp, trẻ bị nôn trớ nhiều cha mẹ nên theo dõi con đề phòng trường hợp mất nước, nếu tình trạng này kéo dài khiến trẻ bị mệt mỏi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám và điều trị phù hợp cho trẻ.
Xem thêm: Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ.