Trẻ bị đầy hơi chướng bụng là triệu chứng thường gặp do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Trẻ thường bị các triệu chứng như chướng bụng, ợ hơi, trớ, nôn,… Điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng và không biết cách xử lý như thế nào.
Trẻ bị đầy hơi chướng bụng là gì?
Trẻ nhỏ hay bị đầy hơi chướng bụng hơn người lớn do trẻ khóc nhiều và dễ nuốt nhiều không khí vào tạo thành hơi trong bụng. Trẻ nhỏ khi bị đầy hơi sẽ cảm thấy khó chịu, quấy khóc hơn bình thường, bụng trẻ ậm ạch nên trẻ không muốn ăn và bú sữa. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới trẻ thiếu chất dinh dưỡng.
Dấu hiệu đầy hơi chướng bụng ở trẻ
Sau đây là một số dấu hiệu trẻ bị đầy hơi chướng bụng cha mẹ cần lưu ý:
- Bụng trẻ căng tròn sau khi ăn từ 1 đến 2 giờ.
- Khi vỗ bụng, bụng trẻ phát ra âm thanh như tiếng trống.
- Trẻ ợ hơi, ợ chua sau khi ăn, quấy khóc nhiều sau khi ăn.
- Lười bú và biếng ăn.
- Trẻ bị táo bón hoặc đi lỏng.
- Trẻ không đánh rắm nhiều như bình thường.
Nguyên nhân khiến trẻ bị đầy hơi chướng bụng
Một số nguyên nhân sau có thể khiến trẻ bị đầy hơi:
- Trẻ bị ợ hơi, trẻ nuốt phải không khí hoặc ăn quá nhanh.
- Đầy hơi do lượng khí tăng sinh trong đường ruột của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ .
- Khẩu phần ăn của trẻ có quá nhiều tinh bột, cha mẹ cho con ăn dặm sớm trước 5 hoặc 6 tháng tuổi, ăn cơm sớm trước 1 tuổi khi chưa mọc đủ răng hàm hoặc ăn thức ăn mà cơ thể trẻ không thể tiêu hóa được. Điều này khiến thức ăn ứ đọng trong đường ruột của trẻ bị vi khuẩn lên men và sinh ra hơi dẫn đến chướng bụng.
- Ép con ăn quá nhiều: trẻ ở mỗi độ tuổi có thể tích và chiều dài ruột tương ứng, trẻ nhỏ thường có thể tích dạ dày nhỏ, do vậy trẻ ăn mỗi lần được ít và nên được ăn từ 6-8 bữa mỗi ngày để nạp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Nếu trẻ bị ép ăn quá nhiều trong 1 bữa hoặc các bữa ăn quá gần nhau khiến trẻ không có đủ thời gian để tiêu hóa hết thức ăn khiến trẻ bị nôn, thức ăn chưa tiêu hóa đẩy nhanh xuống đường ruột khiến đi ngoài phân sống.
- Trẻ không thể tiêu hóa đường lactose trong sữa: sự thiếu hụt enzym để tiêu hóa hóa đường lactose trong sữa khiến trẻ bị đầy bụng.
- Trẻ bị dị ứng với thực phẩm, sữa mẹ có chứa thực phẩm gây dị ứng cũng có thể gây đầy hơi khó chịu ở trẻ.
- Trẻ uống nhiều kháng sinh trên 14 ngày làm tiêu diệt vi khuẩn đường ruột.
- Trẻ mắc một số bệnh đường tiêu hóa.
Biện pháp phòng tránh đầy hơi cho trẻ
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh đầy hơi cho trẻ:
- Mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Khi cho trẻ bú bình nên cho trẻ bú từ từ và lượng sữa vừa đủ.
- Dùng loại sữa có bổ sung men tiêu hóa trong trường hợp cần thiết.
- Cần có thời gian nghỉ giữa các bữa ăn, tránh cho con ăn liên tục.
- Giảm bớt lượng đạm, bột trong khẩu phần ăn dặm của con.
Mẹo chữa trẻ bị đầy hơi chướng bụng
- Mát xa bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ sau khi ăn hoặc sau khi trẻ bú giúp trẻ thoát khỏi tình trạng đầy bụng nhanh chóng.
- Dùng hành tỏi: mẹ nướng hành hoặc tỏi sau đó đặt vào một miếng gạc và đặt lên bụng của trẻ, một lúc sau trẻ sẽ xì hơi được và đỡ đầy bụng.
- Chườm nóng, làm ấm khăn tay sau đó đặt lên vùng bụng của trẻ.
- Bổ sung men vi sinh cho trẻ: mem vi sinh có tác dụng hỗ trợ điều trị đầy bụng, tiêu chảy, táo bón do loạn khuẩn, nhiễm khuẩn và sau khi dùng kháng sinh kéo dài.
- Cho trẻ bú mẹ đúng cách: với trẻ sơ sinh đang bú mẹ, mẹ nên giữ đầu trẻ cao hơn so với dạ dày, điều này giúp trẻ dễ dàng ợ hơi hơn.
- Cho trẻ trên 6 tháng tuổi uống nước: mẹ nên cho trẻ trên 6 tháng tuổi uống đủ nước cần thiết cho trẻ, giúp tăng chuyển hóa và tiêu hóa tốt thức ăn.
Từ những chia sẻ trên đây, cha mẹ có thể áp dụng để chăm sóc trẻ bị đầy hơi chướng bụng giúp con có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và thoải mái hơn.
Xem thêm: 5 bệnh khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.