Gừng từ lâu đã trở thành một gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người Việt. Gừng không chỉ là gia vị của món ăn mà còn là một loại thảo dược có lợi cho sức khoẻ con người. Liệu có thể tắm nước gừng cho trẻ sơ sinh được hay không? Tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng của gừng
Gừng là loại thực vật vừa được sử dụng làm gia vị và làm thuốc. Gừng có vị thơm cay khác biệt. Các chất chính tạo độ cay của gừng là các hợp chất phenol không bay hơi như gingerol, gingeridion và shogaol.
Thân và rễ, lá có mùi thơm với từng độ thơm cay khác nhau. Gừng được sử dụng trong chế biến gia tăng thêm hương vị của các món ăn. Ở châu Á thân rễ gừng tươi là một trong những thành phần không thể thiếu khi nấu nướng. Trong khi đó người châu Âu lại ưa chuộng gừng ở dạng bột khô.
Trong y học, gừng có nhiều công dụng đặc biệt. Thân rễ tươi hoặc khô được sử dụng trong các chế phẩm uống hoặc bôi để điều trị bệnh trong khi tinh dầu được sử dụng bôi ngoài da như thuốc giảm đau. Gừng có hiệu quả nhất trong việc chống chứng buồn nôn liên quan đến chóng mặt, say tàu xe hay ốm nghén. Gừng ngoài ra còn có rất nhiều những công dụng như chữa cảm lạnh, điều trị các bệnh về tiêu hoá, giảm stress, đau đầu, tụt huyết áp, hỗ trợ giảm cân hay phòng ngừa bệnh về tiểu đường…
2. Có nên tắm nước gừng cho trẻ sơ sinh
Gừng có vị cay tính ấm nên gừng được sử dụng để chữa cảm lạnh, cảm mạo ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tắm nước gừng cho trẻ sơ sinh giúp trẻ làm ấm cơ thể hay sử dụng nước gừng để xông mũi cho con giúp mũi bé thông thoáng khi bị viêm mũi dị ứng và tăng sức đề kháng cho bé yêu. Tắm nước gừng cho bé còn có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích toát mồ hôi ở trẻ giúp đào thảo các chất độc ra ngoài nhanh hơn, giúp bé dễ chịu. Tắm nước gừng còn có công dụng giúp da bé giảm mụn, ngứa và phòng ngừa rôm sảy.
3. Cách pha nước gừng tắm cho bé
Pha nước gừng tắm cho bé có nhiều cách thức khác nhau khi bé bị cảm:
- Trường hợp bé mới chớm cảm: Mẹ dùng 3 nhánh gừng giã nhuyễn, cho gừng vào chén nước sôi. Mẹ để 15 phút khi tinh dầu hoà tan với nước thì cho hỗn hợp vào pha cùng với nước tắm của bé để tắm cho trẻ. Tắm chỉ trong khoảng thời gian từ 5 – 10 phút. Khi tắm cho bé mẹ có thể vừa tắm vừa massage chân, ngực cho bé để tinh dầu có thể thấm qua da và có tác dụng với cơ thể.
- Bé bị cảm nhẹ: Dùng gừng + sả đun sôi khoảng 10 phút để vào chậu nhỏ để xông hơi cho bé. Đối với trẻ nhỏ thì mẹ có thể cùng xông tắm với bé khoảng 5 – 7 phút. Cách xông hơi này chỉ áp dụng đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên.
- Trẻ bị cảm không dứt: Dùng 200gr gừng già giã nát và hoà vào nước ấm để tắm cho trẻ. Để trẻ ngâm trong nước ấm khoảng 5 phút. Mẹ có thể kết hợp với tinh dầu tràm thoa vào lòng bàn chân và lưng, cổ cho trẻ. Khi tắm xong mẹ nhớ đi tất chân, mặc ấm cho bé. Cách này sẽ giúp trẻ nhanh khỏi và phòng ngừa cảm hiệu quả.
4. Những lưu ý khi dùng gừng tắm cho trẻ
- Sử dụng lượng gừng vừa đủ không nên sử dụng quá nhiều làm nóng gây rát da bé và kích ứng.
- Uống nước trước khi tắm: Mẹ có thể cho bé uống 1 cốc nước gừng mật ong trước khi tắm giúp cơ thể bé điều hoà, cân bằng và bổ sung đủ lượng nước cần thiết.
- Ngâm chân cho trẻ bằng nước gừng: Bé có thể ngâm chân trong nước gừng ấm khoảng 20 phút cũng có tác dụng chữa cảm lạnh, tăng tuần hoàn máu, giải độc.
- Chỉ nên tắm cho bé trong khoảng thời gian từ 5 – 10 phút đủ để lỗ chân lông giãn nở.
- Duy trì việc tắm nước gừng khi bé cảm lạnh và vào mùa đông để tăng sức đề kháng và giữ ấm cho cơ thể.
Tắm nước gừng cho trẻ giúp cho trẻ chữa cảm lạnh và phòng ngừa các bệnh về da hiệu quả như rôm sảy, ngứa ngáy. Tuy nhiên cần lưu ý về lượng gừng sử dụng khi tắm cho bé để tránh hiện tượng quá nóng gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của con.