Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng không hiếm gặp, gây ra bởi tăng bilirubin được sản sinh trong quá trình vỡ hồng cầu. Tình trạng này xuất hiện sớm thường 24 giờ đầu sau sinh và gặp chủ yếu ở các trẻ sinh non thiếu tháng, nếu cha mẹ không nắm được các dấu hiệu cha mẹ sẽ hay nhầm giữa trẻ vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ trang bị một số thông tin hữu ích về tình trạng vàng da ở trẻ.
Dấu hiệu trẻ vàng da sơ sinh sinh lý
- Mức độ vàng da nhẹ, chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng dưới trên rốn.
- Không xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như: thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,…
- Nồng độ bilirubin trong máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng. Tốc độ tăng bilirubin trong máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
- Nước tiểu của trẻ có màu tối hoặc vàng, phân nhạt màu.
Nguyên nhân gây trẻ vàng da sơ sinh sinh lý là do sự tích tụ bilirubin, một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng ra. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh vì trẻ có lượng hồng cầu cao, tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ biến mất sau 2 tuần và tự khỏi sau 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng. Lúc này chức năng gan đã phát triển hoàn chỉnh hơn và đủ điều kiện để xử lý bilirubin. Vậy nên vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ bệnh nào cho trẻ.
Dấu hiệu trẻ vàng da sơ sinh bệnh lý
- Xuất hiện sớm trong khoảng 24 giờ sau sinh, với màu vàng đậm trên da trẻ.
- Trẻ bị vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay, lòng bàn chân, kết mạc mắt.
- Vàng da không hết sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.
- Vàng da đậm đi kèm với các triệu chứng: trẻ lừ đừ, bỏ bú, có thể co giật.
- Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn ngưỡng bình thường,
Tuy nhiên với các trẻ vàng da bệnh lý không xuất hiện triệu chứng đi kèm khiến cha mẹ khó phát hiện.
Một số nguyên nhân gây vàng da sơ sinh bệnh lý như:
- Bất đồng nhóm máu mẹ con.
- Trẻ gặp bệnh lý về tan máu.
- Xuất huyết dưới da.
- Chậm đi phân su.
- Nhiễm virus bào thai.
- Bệnh lý gan mật bẩm sinh như teo đường mật hay giãn đường mật.
Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như nhiễm độc thần kinh do bilirubin khiến trẻ tử vong hoặc bại não suốt đời.
Khi trẻ vàng da sơ sinh cần đi khám?
Cha mẹ cần chú ý những dấu hiệu vàng da dưới đây để đưa trẻ đi khám kịp thời:
- Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh, ấn tay da thấy vàng đậm.
- Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Vàng da kéo dài trong 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.
- Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu.
Những lưu ý cho cha mẹ để xác định tình trạng vàng da ở trẻ:
- Vàng da ở trẻ dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng tự nhiên.
- Trường hợp khó nhận biết do da trẻ đỏ, hồng hoặc đen, cha mẹ nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay có màu vàng rõ rệt.
- Khi trẻ bị nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa đến bác sĩ để được kiểm tra.
Từ những thông tin trên, cha mẹ có thể nhận biết trẻ có bị vàng da hay không? Từ đó đánh giá tình trạng của trẻ để có biện pháp thăm khám và điều trị. Với trường hợp vàng da sơ sinh sinh lý cha mẹ nên tắm nắng cho trẻ để tăng sức đề kháng và giúp tình trạng này nhanh khỏi hơn. Đối với trẻ vàng da sơ sinh bệnh lý, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Xem thêm: Bệnh ngoài da ở trẻ theo độ tuổi.