Tình trạng khò khè của bé khiến bạn lo lắng và bạn không biết bé đang gặp phải vấn đề gì. Liệu đây có phải một dấu hiệu cho thấy bé đang mắc phải một số bệnh liên quan đến đường hô hấp không? Âm thanh thở bình thường của trẻ sơ sinh có thể khác nhau, khi bé ngủ bé có thể thở chậm hơn, sâu hơn so với khi bé thức và tỉnh táo. Thở khò khè thường xảy ra khi thở ra, dường như có vật gì đó chặn hoặc thu hẹp đường hô hấp dưới trong phổi. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị tình trạng khò khè của bé.
Nguyên nhân gây tình trạng khò khè của bé
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra một đợt thở khò khè đột ngột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường do nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Các nguyên nhân gây ra các đợt khò khè tái phát là:
- Nhiễm trùng phổi do virus.
- Dị ứng.
- Hen suyễn.
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây ra thở khò khè tái phát bao gồm:
- Khó nuốt mãn tính: do tình trạng hít phải thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi.
- Trào ngược dạ dày, thực quản.
- Dị vật trong phổi.
- Suy tim.
Dù nguyên nhân ban đầu của thở khò khè là gì thì các triệu chứng thường trở nên trầm trọng hơn do dị ứng hoặc hít phải chất kích thích (chẳng hạn như khói thuốc lá).
Triệu chứng của tình trạng khò khè của bé
Khò khè thường đi kèm với ho khan tái phát hoặc có đờm. Các triệu chứng khác tùy thuộc vào nguyên nhân và có thể bao gồm sốt, sổ mũi và khó ăn.
Bạn có thể nghe thấy tiếng thở khò khè the thé khi bé thở ra. Nếu đường thở bị thu hẹp nghiêm trọng, bạn cũng có thể nghe thấy tiếng thở khò khè khi bé hít vào. Bé bị bệnh nặng cũng có thể thở nhanh, sử dụng nhiều cơ ngực để thở, lỗ mũi phập phồng và da xanh hoặc tím tái, trường hợp nhiễm trùng phổi có thể gây sốt.
Chẩn đoán bệnh khò khè
- Nghe phổi, quan sát tình trạng khó thở hoặc tím tái của bệnh nhân.
- Chụp cắt lớp vi tính hoặc nội soi phế quản.
- Chụp X-quang ngực.
Đối với đợt thở nặng đầu tiên, bé sẽ được bác sĩ khám lâm sàng, nghe phổi và quan sát tình trạng ban đầu như khó thở hay tím tái của bệnh nhân. Sau đó bác sĩ có thể đề xuất chụp X-quang ngực để tìm dấu hiệu của vật lạ trong phổi, viêm phổi hoặc suy tim.
Đối với bé bị thở khò khè tái phát đã được xét nghiệm, các đợt bùng phát thường không cần xét nghiệm trừ khi có dấu hiệu khó thở nghiêm trọng. Đối với trẻ em bị các đợt bùng phát thường xuyên hoặc nghiêm trọng, các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc giãn phế quản hoặc các thuốc điều trị hen suyễn khác, có thể cần các xét nghiệm khác như nghiên cứu khả năng nuốt, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc nội soi phế quản.
Điều trị tình trạng khò khè cho bé
Đối với chứng khò khè nặng do phổi bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm trong trường hợp hen suyễn.
Những bé không có khả năng phát triển bệnh hen suyễn hoặc nhiễm trùng phổi thì khả năng tình trạng khò khè ở bé là do đờm nhiều, lúc này bạn nên sử dụng long đờm cho bé kết hợp rửa mũi thường xuyên.
Nhìn chung tình trạng khò khè của bé cần được tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Bạn không nên tự ý điều trị cho bé, vì đôi khi tình trạng này có thể là một dấu hiệu nguy hiểm ảnh hưởng đến phổi của bé cũng như các bệnh mãn tính chưa được phát hiện. Trong trường hợp bé chỉ bị khò khè do dịch đờm và dịch mũi nhiều bạn nên thực hiện các biện pháp điều trị như nhỏ nước muối thường xuyên, hút mũi kết hợp với thuốc long đờm. Tiếng khò khè có thể khiến bạn lo lắng về tình trạng của bé, vậy nên nếu bé có các biểu hiện bất thường như khó thở, mệt mỏi bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.