Thóp trẻ sơ sinh là khoảng trống giữa năm xương chính của hộp sọ. Các khoảng trống tồn tại do hộp sọ của trẻ sơ sinh chưa hợp nhất với nhau, điều này giúp việc di chuyển qua xương chậu khi sinh dễ dàng hơn. Vị trí thóp có cảm giác mềm mại khi chạm vào, trẻ sơ sinh được sinh ra với 6 thóp sẽ đóng dần trong khoảng một năm đầu tiên. Thóp lớn nhất nằm giữa trán và đỉnh đầu được gọi là thóp trước, thóp này có thể là một chỉ số sức khỏe quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về những thóp của trẻ sơ sinh.
Thóp trẻ sơ sinh là gì?
Thóp hay điểm mềm là một lỗ hở trên hộp sọ của trẻ nơi các xương phát triển chưa hoàn thiện, đây là một phần quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ sơ sinh. Thóp trẻ sơ sinh có vai trò quan trọng đối với quá trình sinh sản và sự phát triển của não bộ như:
- Sinh sản: Bằng cách chừa không gian cho xương sọ di chuyển trong quá trình sinh nở, thóp cho phép đầu của em bé lọt qua khung chậu hẹp mà không làm tổn thương não.
- Sự tăng trưởng: Đầu của em bé phát triển nhanh hơn trong hai năm đầu tiên, vậy nên khoảng trống giữa các xương sọ là cần thiết cho não bộ phát triển trong giai đoạn này.
Các loại thóp trẻ sơ sinh
Hầu hết mọi người đều biết về điểm mềm lớn trên đỉnh đầu của trẻ sơ sinh, nhưng đó không phải điểm duy nhất. Có 6 loại thóp trẻ sơ sinh:
- Thóp trước: Vị trí nằm trên đỉnh đầu, đây là thóp mà hầu hết mọi người đều biết do dễ nhận thấy. Nó có kích thước khoảng 1 đến 3cm khi mới sinh tùy vào từng em bé.
- Thóp sau: Lỗ nhỏ hơn ở phía sau hộp sọ của em bé có hình tam giác. Kích thước đo được của nó thường dưới 1/2 cm khi trẻ mới được sinh ra.
- Thóp xương chũm: Loại thóp này là một cấu trúc đôi, nghĩa là có 2 thóp. Chúng nằm ở giao điểm của xương thái dương, xương đỉnh và xương chẩm, nằm phía sau đầu.
- Thóp xương bướm: Giống như thóp xương chũm, loại thóp này cũng có cặp nằm ở hai bên hộp sọ.
Khi nào thì thóp đóng?
Xương sọ không đóng hoàn toàn trong thời thơ ấu vì não vẫn cần chỗ để phát triển. Tuy nhiên, một khi xương phát triển đến mức lấp đầy các khoảng trống thì thóp được coi là đóng. Thóp của em bé đóng theo các khoảng thời gian sau khi sinh:
- Thóp sau: Từ 1 đến 2 tháng.
- Thóp trước: Từ 13 đến 24 tháng.
- Thóp xương chũm: từ 6 đến 18 tháng.
- Thóp xương bướm: khoảng 6 tháng sau khi sinh.
Thóp có thể đóng sớm hoặc muộn hơn mà vẫn ”bình thường” và khỏe mạnh.
Chăm sóc thóp trẻ sơ sinh
Mặc dù việc chăm sóc thóp của bé không hề phức tạp nhưng những điểm mềm khiến nhiều người lần đầu tiên làm cha mẹ cảm thấy lo lắng. Hãy yên tâm rằng bác sĩ sẽ kiểm tra thóp của con khi mới sinh và kiểm tra lại trong những ngày tiếp theo. Việc theo dõi sẽ được duy trì trong suốt quá trình bạn ở trong viện. Mặc dù không có điều gì đặc biệt bạn cần phải làm để chăm sóc thóp trẻ sơ sinh, nhưng bạn cần chú ý một số điều sau:
- Thóp của con phải trông phẳng so với đầu, chúng không được sưng lên, phồng lên hoặc chìm xuống.
- Khi bạn nhẹ nhàng vuốt ngón tay lên đỉnh đầu của trẻ, phần thóp sẽ có cảm giác mềm và phẳng với một đường cong nhẹ vào trong.
- Khi con khóc, nôn mửa hoặc nằm, thóp trước trông có vẻ nhô lên hoặc phồng lên. Miễn là nó trở lại bình thường khi em bé bình tĩnh, vui vẻ thì không có gì phải lo lắng.
- Bạn có thể nhận thấy thóp dường như đang đập theo nhịp tim của trẻ và điều này hoàn toàn bình thường.
Mặc dù điểm mềm là khoảng trống giữa các xương sọ, nhưng luôn có một lớp màng cứng bao phủ lỗ mở để bảo vệ mô mềm và não bên trong. Vậy nên bạn không nên quá lo lắng về những hoạt động hằng ngày khi tiếp xúc vào thóp trẻ sơ sinh.
Các điểm mềm hay thóp trẻ sơ sinh là một phần quan trọng trong quá trình phát triển đầu đời của trẻ. Bạn không nên quá lo lắng về cách chăm sóc thóp của trẻ, tuy nhiên vẫn luôn phải nhẹ nhàng tránh đung đưa bé nhiều khiến não bộ bị tổn thương.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi.