Trẻ sơ sinh bị táo bón xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Đây là giai đoạn dinh dưỡng của trẻ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn sữa mẹ nên trẻ bú mẹ hoàn toàn ít khi bị táo bón. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chế độ dinh dưỡng của mẹ có thể ảnh hưởng và vô tình gây táo bón cho trẻ. Vậy những nguyên nhân khiến trẻ bị tình trạng táo bón là gì?

Nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh và mối liên hệ với chế độ ăn của mẹ

Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh các bậc phụ huynh nên hiểu đúng về hiện tượng này. Đối với trẻ sơ sinh, táo bón không chỉ đơn thuần là việc trẻ đi tiêu mỗi ngày hay mỗi tuần bao nhiêu lần mà còn là trẻ đi tiêu như thế nào. Trường hợp trẻ đi tiêu phân mềm, dễ đi tiêu thì dù có 4-5 ngày đi tiêu/lần vẫn được xem là bình thường. Với những trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, bản thân sữa mẹ đã có rất nhiều dinh dưỡng nên trẻ có thể hấp thụ gần hết nên chỉ còn lại một phần rất ít được thải ra qua đường tiêu hóa. Do đó, trẻ bú mẹ nếu 1 tuần đại tiện 1 lần vẫn có thể được xem là bình thường.

Về cơ bản, với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn thì việc đại tiện của trẻ không có gì bất thường miễn là phần mềm và trẻ vẫn tăng cân đều đặn. Có một số trẻ có thể do nhu động ruột chậm hơn nên dù có không thường xuyên đại tiện vẫn được xem là bình thường nếu trẻ không có dấu hiệu khó chịu hay đau đớn. Một số ít trường hợp trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vẫn có thể bị táo bón do tắc nghẽn đường ruột hoặc rối loạn cơ thắt ruột.

Các nguyên nhân chính gây nên tình trạng táo bón của trẻ

Chế độ ăn của mẹ

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên chế độ ăn uống của mẹ cũng có phần ảnh hưởng đến dinh dưỡng và bệnh lý của con. Việc mẹ ăn ít chất xơ, ăn nhiều đồ ăn khó tiêu, ăn nhiều đạm, chế độ ăn không hợp lý hoặc thiếu dinh dưỡng có thể làm cho trẻ sơ sinh bị táo bón. Với trường hợp này mẹ nên tìm hiểu về những thức ăn giúp tình trạng táo bón của con được cải thiện.

Dùng sữa ngoài

Trẻ uống sữa công thức có thể bị táo bón nhiều hơn so với trẻ bú sữa mẹ. Trong sữa công thức có sự kết hợp của rất nhiều loại chất khác nhau trong khi trẻ chưa hoàn thiện hết các chức năng giải phẫu của đường tiêu hóa nên có thể sẽ khó tiêu hóa được. Mặt khác, nếu mẹ pha sữa không đúng công thức thì cũng có thể trở thành lý do khiến cho con bị táo bón.

Một số bệnh lý

Một số bệnh lý xuất phát từ cơ thể trẻ có thể trở thành nguyên nhân gây ra táo bón. Cụ thể là các dị tật bẩm sinh hoặc các tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa như tắc ruột, phình to đại tràng.

Nhận biết trẻ bị táo bón

Một số dấu hiệu giúp mẹ nhận biết được tình trạng táo bón của trẻ như:

  • Trẻ dùng sữa ngoài nhưng trong 3 ngày liền không đi ngoài hoặc trẻ bú mẹ hoàn toàn  nhưng 1 tuần không đi ngoài và khi đi ngoài mặt trẻ thường găng đỏ kết hợp với rên nhẹ.
  • Phân vón cục to hơn mức bình thường, khô cứng.
  • Một số trẻ bị sợ khi đi ngoài.
  • Khi đi ngoài trẻ cảm thấy căng thẳng, quấy khóc.

Biện pháp ngăn ngừa táo bón khi trẻ bú sữa công thức

Với trường hợp trẻ đang bú sữa công thức, nếu trẻ sơ sinh dùng sữa công thức bị táo bón thì cha mẹ nên lưu ý cách pha sữa để làm đúng công thức hướng dẫn. Điều này sẽ giúp trẻ có thể hấp thu sữa một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý:

  • Không tráo đổi muỗng giữa các loại sữa công thức vì có thể chúng không cùng kích thước với nhau.
  • Không cho ăn thêm cơm nát hay thức ăn vụn, đặc vào sữa của trẻ vì các loại thức ăn này có thể khiến trẻ bị táo bón, thậm chí còn có nguy cơ sặc gây tắc nghẽn đường hô hấp rất nguy hiểm.
  • Cha mẹ có thể đổi sữa công thức khác cho trẻ sau khi đã cho trẻ khám và được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

chăm sóc trẻ bị táo bón

Cha mẹ cần nhớ rằng, táo bón không phải là nguyên nhân để cho trẻ dừng sữa mẹ. Trường hợp trẻ sơ sinh bị táo bón kèm theo các triệu chứng ọc sữa, chướng bụng, quấy khóc, khó chịu thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ thăm khám.

Xem thêm: Khi nào trẻ bị táo bón cần đi gặp bác sĩ.