Nôn là tình trạng đưa các chất có trong dạ dày ra ngoài qua miệng. Đây thường là triệu chứng của một căn bệnh hoặc tình trạng tiềm ẩn, nhưng cũng có thể là phản ứng với cảm giác buồn nôn do chuyển động (như say xe), tác dụng phụ của thuốc hoặc chấn thương. Trẻ bị nôn nhiều có thể là nguyên nhân đáng lo ngại và cần được can thiệp y tế càng sớm càng tốt. Nôn khác với tình trạng trẻ bị trớ, tức là sữa hoặc thức ăn khác bị trào ra ngoài với một lượng nhỏ kèm theo ợ hơi. Nôn là hiện tượng tống thức ăn ra khỏi dạ dày mạnh hơn, liên quan đến sự co bóp mạnh của các cơ ở vùng bụng và cơ hoành, trẻ bị nôn sẽ rất khó chịu và cảm thấy không khỏe.

trẻ bị nôn nhiều

Đánh giá tình trạng của trẻ khi trẻ bị nôn nhiều

Đối với các bác sĩ, mục tiêu đầu tiên là xác định xem trẻ có bị mất nước hay không và liệu tình trạng nôn của trẻ có phải do rối loạn ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?

Các dấu hiệu cần lưu ý khi trẻ bị nôn nhiều

Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng và đặc điểm sau đây, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý theo dõi trẻ:

  • Trẻ lơ mơ và bơ phờ.
  • Trẻ sơ sinh khó chịu, quấy khóc.
  • Sốt, đau bụng.
  • Nôn nhiều ở trẻ sơ sinh.
  • Phân có máu.
  • Nôn ra màu xanh tươi hoặc có máu.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám

Trẻ em có các dấu hiệu cảnh báo cần được đi khám ngay lập tức như:

  • Trẻ nôn ra máu, nôn ra máu giống bã cà phê hoặc có màu xanh tươi.
  • Trẻ em mới bị chấn thương ở đầu.
  • Trẻ khó chịu ngay cả khi không nôn và tình trạng này kéo dài trong nhiều giờ.

Đối với những trường hợp khác, các dấu hiệu mất nước, đặc biệt là giảm đi tiểu giúp xác định tình trạng của trẻ cần can thiệp y tế ngay lập tức. Mức độ khẩn cấp có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của trẻ vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị mất nước nhanh hơn trẻ lớn. Nói chung, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không đi tiểu quá 8 giờ hoặc không muốn uống nước trong hơn 8 giờ nên được bác sĩ thăm khám.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ bị nôn nhiều hơn 6 đến 8 lần và tình trạng này kéo dài hơn 24 đến 48 giờ hoặc có đi kèm các triệu chứng khác (như ho, sốt, phát ban). Trong trường hợp trẻ không nôn quá nhiều (hoặc không có kèm tiêu chảy) bạn có thể cho trẻ bổ sung điện giải với lượng nhỏ trong 30 phút mỗi lần và không cần gặp bác sĩ.

Chẩn đoán tình trạng nôn nhiều ở trẻ

Khi trẻ đi khám, bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của trẻ. Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi như:

  • Trẻ nôn khi nào?
  • Mức độ nôn của trẻ.
  • Chất nôn trông như thế nào?
  • Trẻ nôn có nhiều không?

Cha mẹ cần bổ sung thêm một số thông tin khác về bệnh lý của trẻ như nhu động ruột và tần suất đi vệ sinh của trẻ. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh cho con chính xác hơn.

Thực hiện các xét nghiệm

Các bác sĩ sẽ lựa chọn xét nghiệm dựa trên các nguyên nhân nghi ngờ được gợi ý từ kết quả khám. Hầu hết trẻ em không cần xét nghiệm, tuy nhiên nếu nghi ngờ có bất thường ở vùng bụng, các chẩn đoán bằng hình ảnh thường được thực hiện.

Điều trị trẻ bị nôn nhiều bắt đầu bằng việc giải quyết nguy cơ mất nước và làm dịu dạ dày để giảm cảm giác buồn nôn. Vậy nên, trẻ khi bị nôn nhiều cần bổ sung đủ chất lỏng, lúc đầu với lượng nhỏ, sau đó với lượng lớn hơn. Hầu hết, dịch bổ sung thường là dung dịch điện giải và tránh thức ăn đặc cho đến khi hết cơn nôn. Ngoài ra, trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho trẻ.

Xem thêm: Bí quyết chăm sóc trẻ 12 tháng tuổi phát triển toàn diện.