Do sức đề kháng còn yếu nên trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ nhỏ từ 6-36 tháng tuổi dễ bị ốm. Ở các giai đoạn chuyển mùa nóng lạnh rất dễ gặp tình trạng trẻ hay bị sốt phát ban. Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ bị sốt phát ban cũng như phương pháp chăm sóc trẻ thế nào cho hợp lý. Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Biểu hiện của sốt phát ban
Sốt phát ban thường do một số virus điển hình như virut sởi, virut rubella, virus đường ruột echo gây ra. Dấu hiệu đầu tiên để bố mẹ nhận biết là trẻ đột nhiên quấy khóc sau đó có biểu hiện sốt.
- Nếu sốt phát ban do virus sởi, trẻ có thể sốt cao, kèm ho, đỏ mắt, chảy nước mũi.
- Nếu sốt phát ban do rubella: trẻ sốt nhẹ hơn hoặc không sốt, ban nổi màu nhưng nhạt màu hơn, sưng đau hạch sau tai, hạch cổ, đôi khi trẻ kêu đau chân là do khớp đau.
Sau một vài ngày sốt, lúc trẻ bắt đầu hạ sốt là lúc ban bắt đầu nổi từ mặt lan dần xuống cổ ngực bụng và toàn thân. Tay chân hình thành các bọc nước màu đỏ, có thể thưa hoặc dày, ngoài ra trẻ có thể bị tiêu chảy hoặc đi ngoài phân hơi lỏng. Ban thường lưu lại từ 3 -5 ngày sau đó lặn dần và không để lại vết thâm. Tuy nhiên bố mẹ nên lưu ý khi trẻ bị sốt phát ban do sởi, trẻ thường có cảm giác ngứa và dùng tay gãi các nốt khiến da bị nhiễm khuẩn, lở loét thì có thể để lại sẹo.
Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Thông thường sốt phát ban nhanh đến và cũng nhanh đi nếu trẻ được điều trị và chăm sóc tốt. Ngược lại trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, đi ngoài ra máu, nguy hiểm hơn là viêm não. Trong thời gian này, bố mẹ có thể tham khảo các hướng dẫn cụ thể như sau:
- Khi trẻ sốt, bố mẹ nhớ cặp nhiệt độ theo dõi diễn biến và hạ sốt cho trẻ khi cần thiết.
- Khi trẻ sốt nên chườm ấm để hạ sốt cho trẻ, mỗi lần không quá 10 phút.
- Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C mới cần dùng thuốc hạ sốt, có thể dùng Paracetamol đường uống hoặc đặt hậu môn cách nhau ít nhất 6 tiếng.
- Đảm bảo bù đủ nước, điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước bằng nước ép hoa quả, canh súp hoặc nước oresol.
- Hạn chế cho trẻ gãi lên da.
Dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý khi sốt phát ban ở trẻ
Bệnh sốt phát ban là virus lây từ người qua người thông qua tiếp xúc với người nhiễm bệnh, hoặc các vật dụng cá nhân, nên cần hạn chế trẻ bị bệnh tiếp xúc với các trẻ khác trong gia đình. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ lớn hơn nhưng những biểu hiện nặng như:
- Sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.
- Phát ban không thể chuyển biến tốt sau 3 ngày.
- Trẻ có hệ miễn dịch yếu.
- Tiêu chảy, mất nước.
- Có biểu hiện lừ đừ, hay co giật, thở gấp, khó thở.
Bố mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ vào viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong khoảng thời gian bị sốt phát ban, cơ thể trẻ thường mệt mỏi và cần bổ sung các chất dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục. Dưới đây là một số gợi ý giúp trẻ ăn uống tốt hơn khi bị ốm:
- Đối với trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, khi trẻ đang bú sữa mẹ, các mẹ nên tiếp tục cho con bú, thậm chí cho bú nhiều hơn bình thường. Protein, chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ giúp tăng đề kháng, dễ tiêu hóa và tăng hấp thu nhanh thức ăn.
- Trẻ lớn hơn có thể thay cơm bằng cháo để con dễ ăn, dễ tiêu hóa, bố mẹ có thể chia nhiều bữa cho con mỗi ngày.
- Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, giảm tỷ lệ mắc biến chứng đường hô hấp trên khi trẻ bị sốt phát ban, vitamin C có nhiều trong nước ép cam, nước ép ổi, kiwi, dâu tây, súp lơ. Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho trẻ uống 1-2 lần/ngày nhưng mỗi lần tối đa 100ml, uống quá nhiều có thể khiến trẻ bị tiêu chảy.
- Nước dừa giàu kali và muối khoáng giúp trẻ bù nước, bù điện giải nhanh chóng cho trẻ bị sốt phát ban. Đối với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, mẹ cho trẻ uống 1-2 lần/ngày mỗi lần khoảng 15ml, trẻ từ 1-2 tuổi uống 1-2 lần/ ngày mỗi lần 50ml, các bé dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước dừa mà nên bú mẹ thường xuyên.
Hy vọng những thông tin trên đây giúp cha mẹ chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tốt hơn.
Xem thêm: Chăm sóc bé bị sốt.