Các em bé đều sẽ rất khó chịu và thường xuyên dụi mũi khi không thể thở bình thường, chúng có đường mũi nhỏ nên khá dễ bị tắc nghẽn. Vì vậy việc chăm sóc mũi cho bé là kiến thức cơ bản mà bất kỳ cha mẹ nào cũng nên nắm rõ nhằm giúp con mình thoải mái hơn. Bài viết dưới đây chia sẻ cho bạn một số phương pháp giúp giảm nghẹt mũi cho bé và các biện pháp an toàn khi vệ sinh mũi cho bé sơ sinh.
Nguyên nhân khiến bé ngạt mũi
Khi bé bị nghẹt mũi, bé có các biểu hiện như khó chịu, hay dụi mũi và thường không muốn ăn. Điều này có thể khiến bạn lo lắng, đặc biệt đối với những người mới làm mẹ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị nghẹt mũi, dưới đây là một số lý do phổ biến:
- Đường mũi bé quá nhỏ: Chiếc mũi xinh xắn của trẻ sơ sinh khá nhỏ, vì vậy chỉ cần một lượng nhỏ chất nhầy đã khiến bé bị nghẹt mũi.
- Bé không thể xì mũi: Trẻ sơ sinh thường không thể tự xì mũi, do vậy bạn nên thực hiện các biện pháp hút mũi phù hợp với bé.
- Tác nhân gây kích ứng mũi: Nước hoa, khói thuốc lá, lông thú cưng, phấn hoa hoặc bụi đều có thể gây kích ứng đường mũi. Bạn nên giữ môi trường xung quanh bé sạch sẽ và tốt nhất là tránh xa các tác nhân này.
- Bé bị cảm lạnh: Do sức đề kháng còn yếu nên tình trạng cảm lạnh có thể diễn ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân phổ biến gây các bệnh liên quan đến mũi của bé.
- Một số bệnh nghiêm trọng khác: Virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể khiến con bạn bị nghẹt mũi kèm theo ho và khó thở, đây là căn bệnh nguy hiểm cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Chăm sóc mũi cho bé sơ sinh như thế nào?
Mọi việc cần làm lúc này là giúp đường thở của bé được sạch sẽ, thông thoáng. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn chăm sóc mũi cho bé tốt nhất:
Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé
Xịt hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là cách tốt nhất để chăm sóc mũi cho bé. Dung dịch này có tác dụng làm loãng chất nhầy, giúp loại bỏ tình trạng tắc nghẽn tạm thời. Các bác sĩ nhi khoa thường khuyên dùng nước muối nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh vì giúp kiểm soát tốt hơn về lượng dùng cũng như lực đưa thuốc vào mũi.
Dùng dụng cụ hút mũi thủ công
Có một phương pháp thủ công rất hữu hiệu được thực hiện như cơ chế xì mũi của người lớn đó là sử dụng dụng cụ hút mũi cầm tay. Đây là phương pháp được các bậc cha mẹ hay dùng và rất phù hợp với trẻ sơ sinh. Phương pháp này thực hiện kết hợp với nhỏ nước muối sinh lý, bạn cần mua một dụng cụ hút mũi cầm tay có đầu silicon mềm được bán phổ biến tại các quầy thuốc.
Ưu điểm của dụng cụ hút mũi thủ công là sử dụng lực vừa phải từ miệng của bạn để hút các dịch nhầy ra khỏi mũi của bé mà không làm bé khó chịu.
Dùng máy hút mũi
Tương tự như dụng cụ hút mũi cầm tay, nhưng máy hút mũi có thể điều chỉnh lực hút khác nhau tùy thuộc vào đối tượng sử dụng và có thể hút các dịch ở sâu hơn.
Tuy nhiên, máy hút mũi nên được sử dụng tại các phòng khám nhi khoa và được thực hiện bởi kỹ thuật viên hoặc bác sĩ có chuyên môn. Đối với trẻ sơ sinh cần được cân nhắc trước khi thực hiện các thủ thuật này.
Khi nào nên chăm sóc mũi cho bé
Bạn có thể sử dụng nước muối nhỏ mũi 3 đến 4 lần trong 24 giờ. Đối với việc hút mũi cho bé, bạn nên thực hiện 1 đến 2 lần trong ngày vào những thời điểm trước khi bé đi ngủ hoặc trước khi bé bú, điều này giúp thông thoáng đường thở và giúp bé ngủ ngon hơn.
Nếu quá lạm dụng nước muối hoặc hút mũi nhiều lần có thể gây nguy cơ làm mỏng niêm mạc đường mũi, gây kích ứng và chảy máu cam.
Các biện pháp an toàn khi chăm sóc mũi cho bé
Khi thực hiện các biện pháp chăm sóc mũi cho bé, bạn nên rửa tay sạch, các dụng cụ hút mũi cần được khử khuẩn nhằm không truyền vi khuẩn có thể gây lây chéo.
Trong quá trình hút mũi cho bé, bạn cần trấn tĩnh bé giúp bé thư giãn. Trường hợp bạn chưa biết hút đúng cách, bạn nên tham khảo các video của bác sĩ hoặc y tá có chuyên môn hoặc được hướng dẫn trực tiếp từ người có chuyên môn tránh trường hợp gây viêm tai giữa cho bé. Đối với trẻ sơ sinh nên thận trọng hơn khi hút mũi bằng máy và phải được thực hiện với người có chuyên môn cao về tai mũi họng.
Nhìn chung việc chăm sóc mũi cho bé sơ sinh khá đơn giản nếu cha mẹ chú ý đến tình trạng của con thường xuyên hơn. Trường hợp dịch mũi quá đặc và có thể dẫn đến viêm, lúc này bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để được hút mũi và thăm khám điều trị. Lưu ý bạn không nên tự ý dùng máy hút mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà, vì lúc này niêm mạc mũi của bé còn yếu và nếu sử dụng không đúng áp lực sẽ gây tổn thương nặng nề cho bé.
Xem thêm: Cẩm nang giúp mẹ chăm sóc bé sơ sinh.